CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

CHÚ TRỌNG ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ SỨC KHỎE CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Publish date 18/10/2024 | 13:00  | Lượt xem: 279

Đối với tổ chức Công đoàn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người sử dụng lao động và người lao động là một nhiệm vụ được quan tâm thường xuyên, liên tục.

Bởi trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng sẽ giúp người lao động có thể chủ động bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; đồng thời, với người sử dụng lao động, việc quan tâm đến vấn đề an toàn, chăm lo sức khỏe người lao động cũng chính là xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững.

Ngày 11/10, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chỉ đạo Báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”.

Tham gia giải đáp các vấn đề mà đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quan tâm có các khách mời: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật (Trường Đại học Công đoàn); Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga.

Các câu hỏi người lao động (NLĐ) đặt ra cho thấy, việc cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe được đặc biệt quan tâm. Qua đó, giúp người lao động chủ động bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Liên quan đến phản ánh của người lao động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân cho hay, theo Quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp có dưới 100 lao động phải bố trí 1 cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Đối với các cơ sở từ 300-1.000 lao động, phải bố trí cán bộ chuyên trách có chuyên môn, nghiệp vụ để giám sát, kịp thời giải quyết nếu mất ATVSLĐ xảy ra.

Riêng cơ sở sản xuất có từ 1.000 lao động trở lên phải bố trí 1 phòng/bộ phận ATVSLĐ theo quy định và phải có ít nhất 2 cán bộ chuyên môn. Trong trường hợp đơn vị chưa đủ điều kiện để thành lập bộ phận ATVSLĐ thì có thể ký hợp đồng với một đơn vị có đủ năng lực để hỗ trợ làm công tác ATVSLĐ.

Trường hợp không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải có người làm công tác ATVSLĐ thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ban tổ chức cũng cho biết, hiện tại mỗi năm có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ, trong đó 80% do nhồi máu não. Ở Việt Nam, tỷ lệ xuất huyết não cao hơn so với thế giới từ 25-30% và có tỷ lệ cao ở người trẻ, chủ yếu do tăng huyết áp. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga khuyến cáo người lao động cần ăn uống lành mạnh và mỗi tuần nên vận động khoảng 150 phút.

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa giải đáp Chế độ chính sách ốm đau với NLĐ trong hệ thống Nhà nước thì sẽ thực hiện theo quy định của Nhà nước, ở khu vực ngoài Nhà nước thì ngoài chế độ chính sách theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận, thương lượng về những chế độ có lợi hơn, nhất là với những bệnh nghề nghiệp hoặc những vấn đề liên quan sức khỏe do môi trường nặng nhọc, độc hại.

Nếu là viên chức của một đơn vị sự nghiệp công lập, khi khám sức khỏe mà phát hiện ra các bệnh nghề nghiệp theo quy định về danh mục bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế thì sẽ được nghỉ việc điều trị bệnh và có hưởng chế độ theo quy định. NLĐ nghỉ chữa bệnh trên 14 ngày thì tháng đó NLĐ sẽ không tham gia đóng Bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ cấp ốm đau do Bảo hiểm xã hội chi trả.

NLĐ được nghỉ chữa trị bệnh trong thời gian tối đa 180 ngày, tính cả thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết hay nghỉ hàng tuần và được hưởng 75% bình quân tiền lương tháng liền kề. Nếu NLĐ đã nghỉ hết 180 ngày nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn đươc hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, mức hưởng sẽ thấp hơn và thời gian hưởng tối đa sẽ tính theo thời gian NLĐ đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là dưới 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội thì được hưởng 50%; từ 15 năm đến dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng 55% và từ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng 65%. Sau khi điều trị bệnh, NLĐ quay trở lại làm việc mà sức khỏe không được đảm bảo như trước thì sẽ được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe.

Phát biểu tại tọa đàm, giao lưu trực tuyến, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe để có sức khỏe tốt phục vụ lao động sản xuất là những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm. Bởi với người lao động, sức khỏe là vốn quý nhất. Chính vì thế, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Đồng chí đánh giá cao những nội dung mang tính thời sự được đặt ra tại buổi tọa đàm này được chuyên gia giải đáp thấu đáo, đồng thời thể hiện mong muốn, mỗi công nhân, viên chức, lao động tham dự chương trình sẽ là một tuyên truyền viên truyền tải những kiến thức hữu ích mà mình tiếp thu được đến đồng nghiệp để cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc an toàn và có sức khỏe tốt để lao động sản xuất.

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị sau chương trình này, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục có các giải pháp sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức về mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, các chế độ chính sách, kiến thức chăm sóc sức khỏe và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm.