DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Di tích lịch sử phường Thanh Lương
Ngày đăng 28/10/2020 | 11:30  | Lượt xem: 3928

Thanh Lương là vùng đất cổ ven đô với nhiều di tích đình, chùa ghi đậm những dấu ấn lịch sử. Trên địa bàn phường có 02 ngôi chùa, 02 ngôi đình và 01 nhà thờ công giáo. Trong đó, hầu hết các di tích lịch sử giá trị đều đã được Nhà nước xếp hạng như Chùa Hộ Quốc, Đình Hương Thể, Đình Lạc Trung.

Phường Thanh Lương nằm ở phía Đông Nam quận Hai Bà Trưng, được phân chia thành 21 tổ dân phố. Từ xa xưa, vùng đất này có hai làng cạnh nhau là Hương Thể và Trung Trí. Vào giữa thế kỷ XIX hợp nhất thành xã Lạc Trung thuộc tổng Thanh Nhàn, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), xã Lạc Trung đổi tên là xã Thanh Lương thuộc quận 7 ngoại thành Hà Nội. Phường Thanh Lương ngày nay gồm các làng Hương Thể, Trung Trí, Lãng Yên, bến Phà đen (cảng Hà Nội).

Đến với Phường Thanh Lương là đến với các con đường mang tên những anh hùng dân tộc như Trần Khát Chân, Nguyễn Khoái, Minh Khai (Nguyễn Thị Minh Khai) hay tên những địa danh lịch sử Bạch Đằng, của Thăng Long xưa như Kim Ngưu, Lãng Yên, Lạc Trung.

Thanh Lương là vùng đất cổ ven đô với nhiều di tích đình, chùa ghi đậm những dấu ấn lịch sử. Trên địa bàn phường có 02 ngôi chùa, 02 ngôi đình và 01 nhà thờ công giáo. Trong đó, hầu hết các di tích lịch sử giá trị đều đã được Nhà nước xếp hạng như Chùa Hộ Quốc, Đình Hương Thể, Đình Lạc Trung.

1. Chùa Hộ Quốc

Nguyễn Khoái (thế kỷ XIII) là một danh tướng đời Trần, tham gia chỉ huy cả hai lần chống quân Mông - Nguyên. Ông được phong tước Hầu và ban ấp gọi là Khoái Lộ (nay là khu vực huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Đường Nguyễn Khoái thuộc phường Bạch Đằng và phường Thanh Lương. Đoạn đường thuộc địa phận phường Thanh Lương số lẻ: từ 199 đến 345, số chẵn: từ 102 đến 350, chính là một đoạn đê sông Hồng, vốn là đoạn cuối cùng của tòa thành đất vòng giữa bao quanh thành Thăng Long xưa.

Đường đê Nguyễn Khoái chia địa bàn phường thành hai nửa, một nửa gọi là trong đê, một nửa gọi là ngoài đê. Mỗi nửa có một đặc trưng riêng

Ngày nay, kề bên đường Nguyễn Khoái phía trong đê, cách phố Lãng Yên chừng 100m có một di tích lịch sử đó là Chùa Hộ Quốc, chùa của thôn Hộ Quốc xưa. Có tên ban đầu là chùa An Khánh thuộc phường An Xá, kinh thành Thăng Long xưa. Theo bài ký ở quả chuông đồng đúc vào triều đại Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798), chùa do đức Linh Lang đại vương đời Lý Thánh Tông thế kỷ thứ 11 (1054 - 1058) xây dựng ở phường An Xá, thuộc kinh thành Thăng Long, cách đây hơn 900 năm. Đến thời Hậu Lê, do chùa đã có công lớn trong việc giúp vua trị vì đất nước nên thời Lê Trung Hưng, chùa được đổi tên thành Hộ Quốc. 

Có thuyết nói rằng: vào đầu thế kỷ 16, khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, buổi đầu, có một vị vua Lê bỏ ngôi lánh ra ở chùa, đêm nằm thấy thần báo mộng phải kíp dời ngay để tránh tai đỡ hoạ. Vua tỉnh dậy vội đi ngay. Liền đó, chùa bị quân Mạc đến đốt phá. Thời Lê Trung Hưng, các vua nghĩ đến ơn trước cho lập lại chùa tráng lệ hơn và sắc cho đặt tên là Hộ Quốc Tự. Sau này, chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần và tu tạo lại toàn bộ vào năm thứ 4, niên hiệu Khải Định (1919). Mặt bằng chùa hình chuôi vồ gồm tiền đường 5 gian, thiên hương và chuôi vồ 3 gian. Chùa còn nhiều hiện vật, tượng Phật có giá trị, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Hiện nay, trong chùa còn có nhiều tượng cổ to, đẹp, câu đối hoành phi tráng lệ.

Trong khuôn viên chùa còn có nhiều ngọn tháp cổ kính xây bằng gạch Bát Tràng vững chắc, hình dáng cân xứng, mỹ lệ. Bên phải chùa có một ngôi mộ cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử nhưng đã bị bom mỹ tàn phá. Những viên gạch dùng để xây mộ cổ này được xác định có từ thời nhà Lý. Người được an táng ở ngôi mộ cổ này là Ngọc Hoa Công Chúa. Bà sống dưới thời vua Lý Thánh Tông (Năm 1054 - 1072). Ngọc Hoa công chúa tên chính là Lý Ngọc Hoa, hiệu là Ngọc Hoa Quận Chúa. Sau này, khi Vua Lý Nhân Tông lên ngôi thì về đây truy phong cho bà là Công Chúa, coi như là con Vua để ghi nhớ công ơn của người đã tham gia giúp cho ba quân, tướng sĩ đánh giặc, giúp cho Vua dẹp giặc Tống. Vì vậy tên hiệu gọi đầy đủ sau này là: Ngọc Hoa Công Chúa - Mỹ Nữ Tôn Hoàng - Lý Nương.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhiều hạng mục trong chùa đã dần xuống cấp. Từ năm 2005 đến nay, toàn bộ khu vực nhà thờ tổ - thờ mẫu, Ngôi Tam Bảo, cổng Tam Quan đã được nhà chùa và người dân địa phương tiến hành trùng tu, tôn tạo có diện mao trang nghiêm, tố hảo như ngày nay. Chùa đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật năm 1990. 

2. Đình Hương Thể, Chùa Hương Thể, Đình lạc Trung

Phố Kim Ngưu là tên phố mới được đặt năm 1986 cho con đường đắp dọc sông Kim Ngưu sau khi được cải tạo. Tuyến phố có chiều dài 1,45km từ đường Trần Khát Chân đến phố Minh Khai. Chạy dọc hai bên bờ sông Kim Ngưu gọi là đông Kim Ngưu và tây Kim Ngưu. Mỗi bên phố chỉ có một dãy nhà cho đến cầu Mai Động. Phía đông Kim Ngưu thuộc địa giới phường Thanh Lương quản lý từ ngã tư đường Trần Khát Chân kéo dài đến cầu Lạc Trung.

Cũng nằm trong ngõ 121 Kim Ngưu có Đình Hương Thể còn gọi là Đình Lạc Trung A, để phân biệt với đình Lạc Trung hay còn gọi là đình Lạc Trung B trong ngõ 325 Kim Ngưu. Cả hai đình đều thờ một thần hoàng làng, Thành hoàng thờ trong đình là thiên thần, nguồn gốc từ “Trời” hiệu là “Bản cảnh thành hoàng chi thần”, được ban 05 đạo sắc phong thời nhà Nguyễn (Tự Đức lục niên năm 1853; Tự Đức tam thập niên năm 1880; Đồng khánh nhị niên năm 1887; Duy Tân tam niên năm 1909 và Khải định cửu niên năm 1924).

Đình Hương Thể được xây dựng từ lâu đời, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đình được tôn tạo lại năm 1952 và đến năm 2006 được trùng tu hoàn chỉnh như hiện nay.

Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật và gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, để có nơi học hành khai thông dân trí, gian ngoài đình Hương Thể và đình Lạc Trung còn được sử dụng làm trường dạy hết bậc tiểu học. Đây là trường Tổng sư có thầy giáo từ trên cử về dậy học. Người thầy dậy đến Cách mạng tháng 8 là thầy giáo Đỗ Văn Bường. Đồng chí Lê Trọng Tấn lúc nhỏ đã học ở trường này. Đây cũng là nơi dạy truyền bá quốc ngữ. Ông Nguyễn Văn Tố hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ đã có lần đến thăm lớp học. Năm 1954, hậu cung đình là nơi cất sung đạn do lính ngụy ở đồn Bến phà đen đào ngũ giao súng lại cho ta.

 

 

 

Đình Lạc Trung có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gian trong cùng gọi là cung cấm, nơi đặt ngai thờ; bên phải là văn chỉ họ trịnh; bên trái đình có nhà Tào Xá. Đình được xây dựng từ lâu và trùng tu nhiều lần. Trước đây phía trước đình là hồ sen rộng và cây đa cổ thụ. Sau này, hồ sen phía trước đình bị san lấp để xây dựng khu di dân đường Trần Khát Chân. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Lạc Trung bị bom đạn tàn phá. Năm 1992, dân làng đã phục dựng lại ngôi đình để có nơi thờ cúng. Năm 1997, Công trình đài tưởng niệm liệt sỹ phường được khởi công xây dựng tại khuôn viên đình. Năm 2004, quy hoạch lại tổng thể di tích đình Lạc Trung và kiến trúc được giữ nguyên hiện trạng đến nay. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật và đượcgắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.

Đình Hương Thể và đình Lạc Trung không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng, tế lễ, mà còn là nơi giao lưu, học tập, hội họp của nhân dân. Ngày nay sự hiện diện của 02 ngôi đình đã góp phần tạo nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương. Hàng năm vào hai dịp Xuân - Thu nhị kỳ ngày 12 tháng 2 và 12 tháng 8 (âm lịch) dân làng lại tổ chức mở hội dâng hương tế lễ, rước kiệu để tỏ lòng thành kính với vị thành hoàng làng đã có công giúp nước, giúp dân. Qua đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thêm hiểu về truyền thống ông cha.

Chùa Hương Thể có tên ban đầu là Hương thể Tự. Ngôi chùa được nhân dân và các phật tử hai làng Hương Thể và Trung Trí thuộc tổng Thanh Nhàn huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Thanh Lương quận Hai Bà Trưng xây dựng nên, có niên đại vài trăm năm.

Ngôi chùa được xây dựng sau Đình Hương Thể và tọa lạc bên phải đình. Chùa được xây dựng theo lối chữ Đinh (chuôi vồ). Trước cửa chùa trước đây là một đầm sen lớn, bên trái ngôi chùa xưa có một giếng chùa nay được cải tạo là một vườn cây của nhà chùa.

Trong chùa được thiết kế gồm Tam Bảo, nơi thờ Đức ông và Tứ phủ. Tôn trí tượng Phật được xếp theo thứ gồm 5 hàng. Hàng trên cùng có 03 pho Tam thế, pho Di Đà và pho Di Lặc. Tục truyền đây là 03 pho tượng đẹp có niên đại hàng trăm năm. Hàng thứ 2 gồm có các pho Đức Quan Âm, pho Phổ hiền Bồ tát. Hàng thứ 3 gồm các pho tượng thờ các vị phật, hàng thứ 5 gồm có tòa Cửu Long và các vị Thánh văn. Bên phải chùa thờ Đức Chúa Ông. Đây cũng là pho tượng có từ lâu đời và được đánh giá cao về mỹ thuật. Bên trái trong chùa thờ Mẫu gồm có các pho tượng Tam tòa Thánh mẫu và các vị Thánh. Trong khuôn viên chùa còn có nhà thờ Tổ, gồm có pho tượng Phật tổ và các sư ni đã viên tịch.

Hiện nay trong chùa còn lưu giữ 01 quả chuông được xác định có từ đời vua Thành Thái (năm 1893).

Chùa Hương Thể là di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Thành phố. Từ năm 2003 đến nay, Chùa đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích và góp phần phục vụ tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

3. Nhà Thờ Trung Chí

Nhà thờ Trung Chí tọa lạc tại địa chỉ 174 đê Trần Khát Chân với khuôn viên diện tích 751,5m. Từ năm 1850, đã có người dân Thanh Lương theo đạo Thiên Chúa tại Lạc Trung. Năm 1882, nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại đây bằng vách đất, lợp lá gồi. Họ đạo ở đây được gọi là Giáp Lạc Trung thuộc xứ Nhà Thờ Lớn. Năm 1912, nhà thờ được xây dựng lại theo phong cách kiến trúc Pháp. Năm 1934, sau khi thành lập xứ Hàm Long, họ đạo giáp Lạc Trung được đổi tên là giáo họ Trung Trí thuộc xứ Hàm Long. Đến năm 2006, nhà thờ đã xây dựng thánh đường, tôn tạo khuôn viên nhà thờ và kiến trúc được giữ nguyên trạng cho đến nay.

Nhà thờ Trung Chí là nơi phục vụ sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân. Dòng họ theo đạo công giáo lâu năm và đông nhất tại họ đạo Trung Chí là họ Lê (ông tổ họ Lê là Lê Văn Tịnh). Thời kỳ đầu, họ đạo Trung Trí chỉ có 74 hộ dân với 253 nhân khẩu, đến nay Họ đạo có trên 100 hộ với gần 400 giáo dân.

Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây cũng được sử dụng làm trụ sở ban đại biểu (nay gọi là UBND phường) và trạm y tế cứu thương. Tại tầng gác chuông của nhà thờ đã từng là nơi cất dấu vũ khí và ẩn náu của cán bộ kháng chiến.

Từ một làng cổ của kinh thành Thăng Long xưa, ngày nay phường Thanh Lương đã chuyển mình trong quá trình đô thị hóa, làm thay đổi diện mạo của mảnh đất vốn bình yên này. Nhưng trong sự ồn ào tấp nập của đường phố thì phía bên trong các con xóm nhỏ, nếp làng vẫn đang được gìn giữ như bao đời nay vẫn vậy. Bên kia nhà cao tầng, biệt thự lấp lánh vẫn đan xen những bức tường rêu phong, mái ngói cũ kỹ như một chứng nhân của lịch sử, không thể phai mờ./.

Hoàng Thị Thu Vân