CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước
Ngày đăng 15/04/2024 | 09:30  | Lượt xem: 113

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”. Trong mọi quyết sách, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, thể hiện ở việc các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở luôn cầu thị lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, để mỗi chủ trương, chính sách đều hướng đến phục vụ quốc gia, dân tộc, phục vụ nhân dân.

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tầm quan trọng của dân chủ ở cơ sở. Theo Người, việc thực thi dân chủ ở từng địa phương, cơ sở, từng cán bộ, từng người dân và từng công việc phải cụ thể, rõ ràng. Vận động tất cả lực lượng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải có trách nhiệm làm cho người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong vị thế của người làm chủ.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV thông qua, trong đó Điều 11 quy định: Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai 14 nhóm nội dung, bao gồm:

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ph­ương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện;

- Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước;

- Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch chung được lập cho thị trấn, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi thị trấn;

- Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã;

- Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp;

- Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã;

- Chủ trư­ơng, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác được tổ chức triển khai trên địa bàn cấp xã;

- Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã;

- Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

- Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, nội dung lấy ý kiến, kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những nội dung chính quyền địa phương cấp xã đưa ra lấy ý kiến Nhân dân;

- Đối tư­ợng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thu;

- Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện;

- Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở, nhờ đó, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn càng được củng cố, tăng cường, tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Năm 2023, toàn Thành phố có 5.393 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư và 579 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) tổ chức thành công Hội nghị đại biểu nhân dân với 769.247 đại biểu tham dự, 29.528 ý kiến đóng góp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đã phối hợp với Tổ dân vận và chính quyền đồng cấp làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. 5.494 tổ hòa giải ở cơ sở đã tham gia hòa giải 3.223 vụ việc, hòa giải thành 2.794 vụ việc (đạt 86,69%). Việc rà soát sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Qua rà soát, toàn Thành phố có 173 đơn vị hành chính cấp xã cần phải sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan, đơn vị đã tích cực rà soát, đánh giá, đảm bảo hoàn thành việc sắp xếp theo yêu cầu.

Thực hiện pháp luật dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng là cơ sở bảo đảm cho nhân dân được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, các quyền về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Thông tin được công khai, minh bạch, nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề về an ninh trật tự, xây dựng và tổ chức tự quản đời sống cộng đồng, thì khi đó, sự đoàn kết, ủng hộ, đồng thuận càng cao, nhân dân cũng sẵn sàng đóng góp công sức, tài chính xây dựng cơ sở vật chất, công trình phúc lợi công cộng.

Thực tế chứng minh, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, địa phương, cơ sở nào thực hiện tốt dân chủ thì ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, mang lại sự bình yên, ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước./.