AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong giáo dục, quản lý trẻ em
Ngày đăng 14/11/2024 | 14:00  | Lượt xem: 121

Thực tế cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên (NCTN) thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Tình trạng các thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, người dưới 18 tuổi gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng diễn biến phức tạp. Trong số đó, nhiều hội nhóm được hình thành thông qua các trang mạng xã hội, lợi dụng internet để kích động, kêu gọi, tụ tập giải quyết các mâu thuẫn. Cùng với đó, số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều đường dây mua bán trái phép các loại ma túy, hướng đến nhóm đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên.

Trước thực trạng rất đáng lo ngại này, nhiều đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu sâu và đề ra giải pháp tổng thể để huy động toàn xã hội tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhà trường, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, quản lý trẻ em và sự nêu gương của cha mẹ đối với con cái để xây dựng nhân cách, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho các em ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; phải coi đây là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng nhất trong nhiệm vụ phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với các hành vi phạm tội và tệ nạn xã hội trong giới trẻ.

ùng với các giải pháp quản lý, giáo dục, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của NCTN, dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Việc xây dựng dự thảo luật sẽ bảo đảm xử lý NCTN phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ NCTN tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo, xây dựng dự thảo Luật Tư pháp NCTN cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế; tiếp thu những ý kiến xác đáng của đại biểu; trao đổi, phối hợp hiệu quả với những cơ quan liên quan để hoàn thiện các nội dung trong dự thảo luật, bảo đảm quyền lợi cho NCTN nhưng cũng không để các đối tượng tội phạm lợi dụng chính sách nhân văn để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn NCTN thực hiện những hành vi phạm tội.

Hiện nay, ma túy đang núp bóng dưới nhiều hình thức và dễ dàng tiếp cận giới trẻ, vì vậy, triệt phá các loại tội phạm về ma túy là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng NCTN vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, công tác đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy thời gian qua chưa tương xứng với thực tiễn. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển, chế biến ma túy rất liều lĩnh, manh động, chống trả lại lực lượng chức năng bằng vũ khí nóng, nên việc ngăn chặn ma túy qua biên giới, đường biển, hàng không là rất cần thiết.

Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy cần phải triển khai sâu rộng trong toàn xã hội, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; đầu tư trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.